Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và câu nói: "Phim không thành công, đạo diễn hãy tự trách mình"

"Bố già" sự kết hợp hoàn hảo giữa Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành, mang đến một cơn "địa chấn" khi đạt doanh thu hơn 400 tỉ đồng.

Từng là đạo diễn “thế hệ mới” thành công trên thị trường phim chiếu rạp từ thời Những cô gái chân dài năm 2004, trải qua gần 20 năm lăn lộn trường quay, Vũ Ngọc Đãng đã có nhiều đóng góp cho điện ảnh Việt. Anh đã có cuộc trò chuyện, chia sẻ cùng với Thanh Niên về con đường làm nghề hiện tại.

- Thành công của bố già giúp anh nhận ra điều gì?

Doanh thu Bố già đạt hơn 400 tỉ đồng khiến tôi nhận ra thị trường điện ảnh Việt rất nhiều tiềm năng, đem đến sự bất ngờ cho những người làm phim. Chúng tôi không ngờ được thị trường lại lớn như vậy. Tôi nghĩ doanh thu sẽ còn cao hơn nhiều nếu như có được những bộ phim hay.

Thành công này cũng cho tôi nhận ra rằng nếu một khi bạn làm phim mà không lôi kéo được khán giả đến rạp thì bạn đừng có trách khán giả, mà hãy tự trách bản thân mình chưa đủ giỏi, chưa đủ tài, vì phim của bạn chưa đủ sức chạm vào trái tim khán giả. Tôi tin những bộ phim tạo ra nhiều cảm xúc cho khán giả đa số là phim về đề tài gia đình, tình cảm, với những cách kể chuyện đơn giản nhưng ấm áp. Tôi nghĩ khán giả VN vẫn mong chờ một cái gì đó thiên về cảm xúc hơn là sự hoành tráng.

- Bố già có giúp anh tự tin hơn trong vai trò đạo diễn?

Tôi tự tin hơn, thấy nếu như mình nỗ lực, cố gắng, có được một ê kíp giỏi, cộng với một kịch bản hay, thì mình có thể làm được bất cứ điều gì mà mình nghĩ sẽ không bao giờ làm được. Nhưng mà để nói sau Bố già, Vũ Ngọc Đãng tự tin sẽ làm những bộ phim thắng lợi tiếp theo như Bố già thì tôi không chắc chắn. Tôi sẽ không bao giờ chủ quan mặc dù đã quá hiểu thị trường. Bố già thắng còn là bởi nó đúng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và có sự góp mặt của Trấn Thành. Mỗi bộ phim đều phải cố gắng và cũng không thể nào lấy kinh nghiệm của phim này bỏ vào phim kia được.

Cái “lời” nhất của tôi sau Bố già là tôi học được rất nhiều thứ trong một ê kíp mới hoàn toàn. Dù ban đầu Trấn Thành mời một mình tôi làm đạo diễn, nhưng khi làm, chính tôi là người đề nghị Trấn Thành để tên chung vì thấy được sự hết mình trong mọi việc của Trấn Thành. Phải nói, khi làm việc cùng Trấn Thành, tôi học được nhiều. Tôi sẽ quyết liệt hơn, sẽ không thỏa hiệp nữa trong cách làm phim của mình để đẩy những cảnh mình muốn đến cùng trên trường quay, chẳng hạn như có thể biến một cảnh nhỏ thành đại cảnh...

- Tại sao anh nói không làm đạo diễn với Trấn Thành nữa?

Lúc phim chỉ mới chiếu ra mắt, chưa bán được vé nào, khi mọi người hỏi sau phim Bố già, nếu Trấn Thành mời làm đạo diễn nữa thì có làm hay không, tôi đã trả lời dứt khoát là không làm. Bởi vì tôi quá “mê” Trấn Thành, và anh ấy đủ giỏi để tự làm đạo diễn một mình, thừa sức để đứng tên riêng, không cần ai giúp sức.

Còn hiện tại, nếu như Trấn Thành mời tôi làm một bộ phim tiếp theo của Trấn Thành thì thú thật, tại sao không kết hợp với người giỏi, tôi sẽ vui mừng và đồng ý liền. Nếu Trấn Thành tự đạo diễn một bộ phim tiếp theo thì tôi sẽ là người đầu tiên mua vé đi xem vì tôi rất tò mò muốn biết nó sẽ như thế nào.

- Hiện anh có kế hoạch nào cho một bộ phim chiếu rạp sắp tới không? Vẫn sẽ tự viết kịch bản và đạo diễn, hay anh nghĩ phải có một người viết kịch bản bổ trợ để bộ phim thành công hơn?

Sắp tới tôi sẽ làm một phim chiếu rạp về hai mỹ nhân thời Pháp thuộc tại VN vào khoảng năm 1926. Đây là một câu chuyện thú vị và kịch bản này tôi từ chối không viết, chỉ có cố vấn kịch bản thôi, bởi vì tôi nghĩ sau Bố già thì tôi nên để người khác viết kịch bản cho phim mới mẻ hơn, chứ nếu mình cứ viết mãi thì sẽ bị lặp lại trong cách kể chuyện, cấu trúc, bố cục. Đã đến lúc tôi cần đổi mới, và đang dốc sức bởi phim này sẽ có kinh phí đầu tư lớn, do trước giờ tôi chỉ làm những phim nhỏ, tiết kiệm tiền cho nhà sản xuất. Lần này tôi muốn làm phim lớn để cái “nhịp” thay đổi toàn bộ và sẽ “chơi” hết mình với năng lực của mình.

- Vũ Ngọc Đãng có lẽ là một trong số ít đạo diễn làm phim truyền hình sau khi đã thsfnh công với phim chiếu rạp. Vì sao anh thích con đường ngược như thế trong khi nhiều người cho như thế là "xuống giá"?

Thật lòng tôi thích làm phim truyền hình hơn là điện ảnh, vì muốn để cho bố mẹ, bà con cô bác ở quê tôi coi nữa. Vì bố mẹ già rồi, đi ra rạp ngồi coi một bộ phim rất khó khăn. Sau này bố mất, còn mẹ cũng yếu, nên khi chiếu Bố già, mẹ cũng không ra rạp xem được vì phải ngồi xe lăn. Nhiều người thân của tôi dưới quê lâu lâu hay hỏi sao không thấy có phim của tôi để xem, mặc dù tôi vẫn đều đặn làm phim điện ảnh.

Với tôi, làm phim truyền hình không có gì là “xuống giá”. Nếu một người làm được phim truyền hình hay thì vẫn có giá trị hơn nhiều người làm phim điện ảnh mà dở.

Tuy nhiên, tôi vẫn lựa chọn con đường đi song song và xen kẽ giữa phim điện ảnh và truyền hình khi có dự án phù hợp.

- Theo anh, phim truyền hình phía Nam cần làm gì, cần điều gì để lấy lại sức hút với đông đảo khán giả cả nước?

Phim truyền hình phía nam hiện chưa thu hút như xưa là vì những người trẻ nào làm tốt chút là chuyển qua làm điện ảnh hết, nên hầu như bên truyền hình chỉ còn những người cũ. Nhưng hiện tại đã khác rồi, nhiều đạo diễn điện ảnh giỏi đã bắt tay làm phim truyền hình. Nếu như ngày càng có nhiều người giỏi làm, thì phim truyền hình sẽ thay đổi. Phim truyền hình phía nam muốn vực lại thì phải trả tiền cho những người làm nghề cao hơn, để lôi kéo biên kịch, đạo diễn, cả diễn viên giỏi nữa.

- Anh kỳ vọng gì với phim mẹ ác ma, cha thiên sứ đang thực hiện?

Bộ phim truyền hình 22 tập Mẹ ác ma, cha thiên sứ đến với tôi rất tình cờ, nhưng có lẽ là cái duyên lớn. Tôi đọc kịch bản tập đầu tiên đã nhận lời liền, bởi cảm thấy đây là một đề tài rất hay vì nói về áp lực của mỗi gia đình, cha mẹ trước việc giáo dục con cái, chọn trường cho con vào lớp 1. Đề tài này muôn thuở ăn khách và thời sự, bởi đối với người châu Á, vấn đề học hành của con cái rất quan trọng. Bên cạnh đó, kịch bản còn rất tình cảm, dễ thương, tiết tấu nhanh, hiện đại; và tôi may mắn có tới 3 biên kịch giỏi để cùng “nhào nặn” cho phù hợp với câu chuyện, đời sống xã hội VN.

Lâu rồi tôi mới làm lại truyền hình, nhưng chỉ một cuộc điện thoại chưa cần biết vai như thế nào, Minh Hằng, Khả Như, Thanh Thủy, Công Ninh... đều nhận lời ngay. Sau một thời gian không làm phim và cả Bố già, tôi cũng đã rút ra nhiều bài học để làm nghề với một cách quay mới.

Tôi tin khi phim phát sóng trên Truyền hình K+, mọi người sẽ ngạc nhiên về một Vũ Ngọc Đãng mới mẻ, khác hẳn từ trước giờ, nhưng vẫn sẽ giữ được tinh thần của một bộ phim ấm áp, nhân văn.

- Một bộ phim luôn cần sự tươi mới, vì sao anh có xu hướng chọn những diễn viên gắn liền với các bộ phim trước đây của anh?

Làm việc với diễn viên cũ áp lực hơn rất nhiều, vì phải cùng họ tìm ra cái gì đó hoàn toàn mới lạ để khán giả thấy bất ngờ. Tuy nhiên, phim này có rất nhiều diễn viên mới lần đầu đóng phim của tôi, như Khả Như, Jun Vũ, Hoàng Trung... Vai nam chính được giao cho Trần Huy Anh - gương mặt chỉ mới đóng vai nhỏ trong một phim trước đây của tôi là Hotboy nổi loạn 2; nhưng lần này cậu ấy sẽ lột xác và gây ngạc nhiên cho mọi người về năng lực diễn xuất của mình. Tôi luôn trộn lẫn giữa diễn viên mới và cũ, chứ không bao giờ làm một phim toàn người cũ. Phim nào tôi cũng cố gắng phát hiện ra một vài gương mặt mới để giới thiệu với khán giả, và lần này tôi kỳ vọng ở Trần Huy Anh, Hoàng Trung...

Nhiều người nghĩ anh khó tính, khó gần?

Nói chung là tôi cũng tự thấy tính mình hòa đồng, vui vẻ (cười), đi làm mọi người đều khen mình dễ thương mà! Nhưng tôi là người hướng nội hơn hướng ngoại, lại sợ đám đông. Từ hồi nhỏ, khách tới nhà là tôi trốn mất tiêu, không ăn cơm chung luôn. Thành ra đến giờ, tôi chỉ bớt thôi, nhưng vẫn không thích đi đến chỗ đông người, những cuộc liên hoan phim dù nhận giải tôi cũng ngại, không đi dự vì tự có cảm giác không thích đứng trên sân khấu. Tôi chỉ muốn tập trung làm nghề của mình thôi, còn ai vinh danh thì tôi cảm ơn.

- Đã độc thân quá lâu rồi, anh có dự định sẽ kết hôn hay công khai người bạn đời của mình không?

Tôi không độc thân, bởi bao năm nay tôi vẫn có người yêu và rất hạnh phúc, do tôi không có công khai với tất cả mọi người, nhưng một số bạn bè thân thiết, họ đều biết tôi đang yêu ai và điều đó là đủ rồi. Tôi giữ cuộc sống riêng tư là vì người nghệ sĩ làm nghệ thuật mà cuộc sống người ta tò mò, biết nhiều quá thì họ sẽ không còn vô tư khi xem tác phẩm của mình nữa. Tôi vẫn thích mọi người quan tâm đến bộ phim thôi, đừng đào sâu đến đời sống cá nhân của nghệ sĩ.

- Anh là người rất yêu thương mẹ mình, anh có nghĩ bà ấy cũng mong anh có một mái ấm trọn vẹn?Điều anh nhận được lớn nhất từ mẹ là gì, và điều anh nghĩ mình đã làm được lớn nhất cho mẹ là gì?

Cha mẹ nào cũng mong con cái có gia đình hạnh phúc, nhưng tôi nghĩ mỗi người có một lựa chọn riêng và tôi đang rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại và mẹ tôi cũng đã hiểu điều đó. Điều tôi làm lớn nhất cho mẹ tôi là khiến mẹ tự hào, bởi vì những bộ phim mình làm ra, khi chiếu được mọi người yêu thích. Mỗi lần mẹ tôi đi chợ, người dân ở dưới quê gặp đều nói mới coi phim con trai làm thấy phim dễ thương quá... và điều đó khiến mẹ tôi rất vui. Tôi hạnh phúc khi làm cho mẹ và gia đình tự hào về mình.

- Hiện giờ anh đang mong muốn điều gì nhất trong công việc gia đình và cả cuộc sống riêng?

Tôi muốn sẽ có sự nghiệp thành công lâu hơn và dài hơn nữa, ví dụ hai ba chục năm nữa mình vẫn làm nghề tốt và vẫn trong top những người hot nhất trong lĩnh vực của mình. Tôi mong mình vẫn luôn có những tác phẩm hay và mỗi lần ra phim lại được mọi người quan tâm, đón xem. Đó là điều hạnh phúc lớn nhất trong nghề nghiệp. Còn lại, tôi ước sức khỏe của mẹ tốt, sống lâu và luôn vui vẻ. Cuộc sống riêng thì tôi muốn sẽ mãi được như bây giờ, vì hiện tại tôi đang rất hạnh phúc và mong mọi thứ trong đời sống sẽ cứ dễ thương như vậy thôi.

Theo Phan Cao Tùng - thanhnien.vn