Trạng tí sẽ đi về đâu trước tình hình dịch covid 19 lẫn việc phải đối đầu với Thiên thần hộ mệnh và Lật mặt 48h.

"Trạng Tí" - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân ( studio 68) được biết đến là tác phẩm xui xẻo nhất mọi thời đại. Chi phí bỏ ra cho bộ phim là 43 tỉ đồng, một con số lớn nhất từ trước đến nay trong nền điện ảnh Việt. Thế nhưng để thực hiện nó là vô cùng khó khăn mất 3 năm ròng rã để hoàn thành, khó khăn từ phần ý tưởng, phải mất gần 2 năm để hoàn thành cho các bước tiền kỳ để quay phim và mất hơn 6 tháng để thực hiện bộ phim. Phải đi từ Bắc chí Nam để có những thước phim đẹp (bối cảnh đẹp). Thế nhưng "bốn" lần công chiếu đều dính phải covid-19. Ba lần đầu phải hoãn công chiếu thì 30/4 vừa qua là ngày công chiếu chính thức. Cũng là ngày dịch bắt đầu bùng trở lại. Trước đó còn là lùm xùm về bản quyền với tác giả Lê Minh (tác giả bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt").

Trước các luồng ý kiến trái chiều nhau. "Trạng Tí" Vẫn là tác phẩm đáng xem.

Câu chuyện xoay quanh Tí (Huỳnh Hữu Khang thủ vai) về chuyến phiêu lưu tìm cha của cậu. Tí một cậu bé khi sinh ra chỉ biết mẹ, mà chẳng biết cha. Trẻ con trong làng thì trêu chọc Tí, người lớn thì dè bỉu mẹ của cậu. Cũng như bao đứa trẻ khác, sự hiếu động, trẻ con thôi thúc Tí đi đến quyết định tìm cha để minh oan cho mẹ. Cùng sự đồng hành của 3 người bạn Sửu (Phan Bảo Tiên Thủ vai), Dần (Vương Hoàng Long thủ vai), Mẹo (Trần Đức Anh thủ vai).

Có lẽ khán giả nghĩ xem phim trẻ con sẽ đơn điệu lắm, nhưng không chính những nét "diễn như không diễn" của các diễn viên nhí kể trên lại khiến cho khán giả phải "hết hồn" mà tấm tắc khen. Một Tí thông minh nhiều tâm sự, khúc mắc về cha; một "cô" Sửu lí lắc, dễ mít ướt; một Dần mập ham ăn, tốt bụng lại thương người nhưng không thiếu sự hài hước và cuối cùng là Mẹo một cậu bé khôn lanh nhưng đầy tình nghĩa, nghĩa khí. Bốn cô cậu đã trải qua chặng đường khó khăn để đến được đền thần hổ nơi giải toả khúc mắc của Tí. Sơn tặc, sự thù hận của "Sơn Tặc Vương" (do Hoàng Phi thủ vai) đã đẩy nhóm bạn rơi vào nhiều tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Chính sự tốt bụng, thương người của nhóm bạn đã dẫn mấy cô cậu lọt vào lưới của "Mùi" (Do Kim Thư thủ vai), cô con gái được "Sơn Tặc Vương" nhặt về nuôi. Cô xem cha mình là trên hết làm mọi việc vì cha, một nhân vật vô cùng phức tạp.

Mùi (Kim Thư bên phải bức hình), Tiểu Tị (Tiểu sư phụ Hoàng Duy)

Kể ra bộ phim cũng mang đầy tính nhân văn đó chứ. Khái niệm "ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu" đúng trong câu chuyện này. Đám sơn tặc đại diện cho kẻ xấu thì "Tiểu Tị" (Hoàng Duy thủ vai) đại diện cho người tốt, sự giúp đỡ. Những pha hành động, đấm đá bay nhảy của cậu bé tiểu sư phụ để giải cứu, yểm trợ cho nhóm bạn Tí, Sửu, Dần,Mẹo khiến người xem thích thú đến "trầm trồ".

Mùi - Tiểu Tị, không nằm trong bộ tứ Tí Sửu Dần Mẹo... Nhưng lại là hai nét chấm phá khiến cho tác phẩm càng thêm sâu sắc. Một Mùi đáng thương sinh ra là trẻ mồ côi được Sơn Tặc Vương nhặt về nuôi, cô bé luôn khao khát có được tình yêu thương. Tiểu tị, một chú tiểu võ công cao cường, luôn sẵng sàng chống lại cái xấu. Hai vai diễn do hai diễn viên nhí đảm nhận thật sẽ khiến khán giả rất bất ngờ.

Sự thành công của tác phẩm mà không kể đến những diễn viên gạo cội thì thật là thiếu sót. NSND Trung Anh mặc cổ phục trong vai một ông lão hiền từ, húc hậu cùng cô con gái nhỏ qua đường đụng phải nhóm Tí. Tuy chỉ xuất hiện một cảnh duy nhất nhưng nó lại là mấu chốt để khán giả hiểu hết tính cách của các cô cậu. Nghệ sĩ Phi Phụng lại xuất hiện với vai diễn một bà chủ quán dữ tợn nhưng vô cùng biết điều. Diễn viên Oanh Kiều vào vai người mẹ dịu dàng của Tí. NSUT Quang Thắng, Trung Dân cùng các diễn viên như Hiếu Hiền, Xuân Nghị,... lần lượt xuất hiện trong phim.

Sự thành công của tác phẩm chắc chắn phải kể đến là đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Anh đã kể một câu chuyện chặt chẽ, lôi cuốn, cùng những khoảng lặng để người xem phải suy ngẫm đồng thời để họ chìm vào nhân vật một cách nhẹ nhàng nhất.

Bộ phim được ghi hình ở nhiều danh lam thắng cảnh khác nhau như: Đầm Vân Long (Ninh Bình), Cây Gạo Thôn Đoài (Bắc Ninh), Chùa Keo (Thái Bình), Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Đình Làng So (Hà Nội)... Chính vì vậy tác phẩm mang đậm nét thôn quê, dân dã từ bối cảnh cho đến trang phục, mang lại cho người xem nhiều cảm xúc khó tả.Tuy không mang trong mình những cú "twist" mạnh, đáng kể nhưng nó lại khiến người xem phải rơi nước mắt trước những câu nói, cách xử lý của những cô cậu gọi là "trẻ con" kia. Thoạt nghĩ thì câu chuyện có vẻ như chủ yếu dành cho trẻ con nhưng xem xong lại khiến người lớn như chúng ta phải suy ngẫm: "Liệu chúng ta có suy nghĩ và hành động như lũ trẻ không?". Thật đáng để lưu tâm đấy chứ.

"Trạng Tí" là phim Việt đáng để xem nhất 2021 đấy, nhanh tay đặt vé và tận hưởng khung cảnh và cảm xúc tuyệt vời đó nào!