Thế nào là kịch bản bấm máy (Shooting Script)?

Là kịch bản được dùng trong khâu sản xuất có đánh dấu các cảnh, khác với kịch bản chào (spec script.)

Khi kịch bản được duyệt quay, các cảnh được đánh số thứ tự bên cạnh tiêu mục của cảnh, cho phép các phòng ban thuận tiện tham chiếu. Mỗi cảnh con (mình dịch shot là cảnh con) thuộc cảnh lớn (mình dịch scene là cảnh lớn) cũng được đánh số, ví dụ Cảnh lớn 1 Cảnh con 1, 2, 3, 4, 5...

Sau khi kịch bản bấm máy được gởi ra cho các bộ phận, số trang được khóa lại, mọi thay đổi được ấn định trên các trang thay đổi. Theo đó văn phòng sản xuất có thể phát hành bản sửa gồm các trang mới ví dụ 3, 9, 17 và 45. Điều này tránh việc phải in và gởi lại nguyên bộ kịch bản mỗi khi có bản sửa, tránh việc thành viên đoàn phải chuyển (ghi lại) mọi ghi chú viết tay vào bản mới. Nếu các cảnh lớn trang 45 trở nên dài hơn, chúng sẽ được in lên trang mới 45A, 45B và cứ thế tiếp tục; nếu cảnh trên trang 45 bị cắt bỏ, trang 45 mới cũng sẽ được phát hành và ghi từ “ĐÃ BỎ” (“OMITTED”) thay vì không có trang 45 làm mọi người tưởng sót.
Các trang sửa được in trên giấy màu, mỗi màu tương đương mỗi lần sửa, dòng nào được thay đổi sẽ được đánh dấu hoa thị ở lề phải của trang. Sự thay đổi màu là khác nhau tùy mỗi dự án, nhưng thường theo thứ tự trắng, xanh dương, hồng, vàng, xanh lá, vàng cúc, da bò, cá hồi, sơ ri, rám nắng, trắng ngà, trắng (lúc này gọi là trắng hai “double white”) và cứ thế tiếp tục đến xanh dương hai (“double blue”.)

Nếu trợ lý đạo diễn thấy có quá nhiều trang thay đổi không chèn thêm xuể, điều phối viên kịch bản (script coordinator) sẽ in mới toàn bộ kịch bản bằng màu tương ứng. Có khi cũng in lại trên giấy trắng, gọi là “bản thảo trắng” (“white draft”,) các trang trong bản thảo trắng in lại từ đầu đã gồm chỉnh sửa này sẽ được đánh số lại từ đầu trong khi các số thứ tự của kịch bản cũ vẫn được duy trì.


CỤ THỂ CÁCH ĐÁNH SỐ THỨ TỰ CẢNH VÀ SỐ THỨ TỰ TRANG TRONG KỊCH BẢN BẤM MÁY

Nếu có một cảnh (scene) được chèn giữa cảnh 10 và 11, cảnh mới này sẽ được đánh số A11 (không phải A10 vì A10 lại có nghĩa là lần quay 10 (take number 10) của vị trí máy quay A (setup A) của cảnh lớn (scene) nào đó.) [Mở ngoặc giải thích thêm: bảng chập (mình dịch clapperboard là bảng chập) ghi theo chuẩn Mỹ sẽ là Scene 24, C, take 3 (Cảnh lớn 24, vị trí máy quay C, lần quay 3) còn chuẩn châu Âu sẽ là Slate 256, take 3C (Cảnh 256, lần quay 3C.) Tóm lại là gồm ba thông số: số thứ tự cảnh, góc máy và lần quay.]

Và cảnh chèn giữa cảnh 10 và A11 nếu có sẽ được đánh số AA11. Chèn giữa A11 và 11 sẽ là B11, chèn giữa AA11 và B11 là AB11 --> 10, AA11, A11, AB11, B11, 11.

Khi một cảnh bị bỏ đi, số thứ tự của nó vẫn được giữ trong kịch bản và ghi tiêu mục là “ĐÃ BỎ”. Cách này làm cho cảnh đó về hưu để không được tái sử dụng chèn cảnh gì thêm vào sau đó. Cảnh cũng có thể được khôi phục (unomitted) mang nó đó ra khỏi tình trạng về hưu.

Tương tự với đánh số thứ tự trang. Khi có trang sửa, số thứ tự trang sửa phải theo sau số thứ tự trang trước. Ví dụ, nếu trang 10 được sửa dài thành một trang rưỡi, bản sửa in trên hai trang đánh số 10 và 10A. Hai trang này sẽ thay cho trang 10 cũ. Ngược lại, nếu trang 15 và 16 được thu lại thành một trang, trang mới sẽ đánh số 15-16.

Hơi rắc rối nhỉ, nhưng “nhà người ta” làm theo chuẩn cụ thể là như thế, “nhà ta” không biết theo chuẩn nào. Tương tự, mình tìm hiểu để soạn treatment ngành nhà hàng, thấy quy định bếp nướng phải được lau mỗi 15 phút bằng khăn màu và thay nước xả khăn mỗi giờ. Nhà ta không biết có như vậy không. Thôi thì việc gì ngành gì cũng vậy, chúng ta cứ tìm hiểu biết chuẩn “nhà người ta” và phấn đấu theo, that’s how we thrive hah!

 

Thụy Anh/ iFilmmaking