Nhặt sạn phim Việt khi phim nói về ngành nghề

Nhiều ngành nghề trong xã hội đã được mang lên màn ảnh trong thời gian qua, giúp khán giả có nhiều góc nhìn về ngành nghề đó. Tuy nhiên không ít phim để lại rất nhiều sạn trong việc lột tả ngành nghề.

Không khó để nhận thấy một số phim mô tả ngành nghề, công việc của nhân vật được khán giả yêu mến như Cô Ba Sài Gòn (nghề may áo dài và biên tập viên thời trang), Chàng vợ của em, Hồn papa da con gái (người làm kinh doanh, tiếp thị), Nắng (người nhặt ve chai nghèo khổ). Thậm chí, nghề “khóc thuê, cười thuê” trong xã hội cũng được đưa vào phim Nghề thế thân; Dấu chân du mục mô tả cuộc sống của dân du mục sống bằng nghề chăn bò, chăn dê, chăn cừu thuê cho các chủ trang trại lớn; Vua bãi rác kể về những người làm nghề nhặt rác; Mặn hơn muối - phim về những diêm dân; Mắt lụa về nghề dệt lụa tơ tằm...

Ngược lại, có không ít phim về ngành nghề để lại dư âm buồn.

Vừa khép lại với cái kết có hậu, phim truyền hình Lửa ấm của đạo diễn Đào Duy Phúc đem đến cho người xem trải nghiệm chân thật về sự vất vả, gian truân, nguy hiểm với nghề của các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và các bác sĩ. Nhưng chính vì khai thác về đặc trưng nghề nghiệp nên Lửa ấm không tránh khỏi những sai sót. Giới chuyên môn từng bức xúc khi Lửa ấm có đoạn nhân vật nữ bác sĩ đọc nhầm “truyền Natriclorua 0,9 phần trăm” thành “truyền Natriclorua 0,9 phần ngàn”. Đặc biệt phim có cảnh một chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện, sau đó bác sĩ nói anh đã bị phơi nhiễm HIV. Đây là một hạt “sạn” khó nuốt trôi, bởi bị phơi nhiễm HIV không phải dễ, nếu phim truyền tải như vậy, ai đó bị tai nạn giao thông ngoài đời thì có mấy người dám cấp cứu người bị nạn?! Cũng trong Lửa ấm, cảnh nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV phải cách ly 2 ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng khiến những người làm nghề y “đứng hình” vì thể hiện sự sai lệch về chuyên môn nghiêm trọng.

Phim lửa ấm mất điểm với người xem khi bộc lộ một số sai sót chuyên môn nghề y

Trước đó không lâu, phim Lựa chọn số phận của đạo diễn Mai Hồng Phong, dù có những điểm sáng song cũng chưa thật tròn trịa. Lựa chọn số phận xoay quanh nghề thẩm phán. Một số ý kiến cho rằng kịch bản thiếu chặt chẽ, phim về ngành tòa án, nhưng ba cơ quan tố tụng: Công an - Viện kiểm sát - Tòa án luôn có mối quan hệ độc lập mà lại mật thiết với nhau chưa được phản ánh rõ nét. Hay phim lấy vụ tai nạn giao thông, thuộc nhóm tội danh vô ý làm chết người, nếu giải quyết tốt về dân sự có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để Thẩm phán Cường phải “lựa chọn số phận”, phần nào khá khiên cưỡng.

Phim nghề báo lại có cách thể hiện ngô nghê khi một nữ phóng viên có kinh nghiệm trong nghề mà lại đi hỏi tư liệu của người khác mà không xác minh lại. Một phóng viên đi làm chương trình truyền hình trực tiếp chỉ với một máy quay phim. Lập trình cho trái tim là phim khai thác về nghề công nghệ thông tin, nhưng cũng mắc phải những sai sót rất cơ bản chỉ thấy màn hình vi tính hiện lên những thứ giản đơn, copy file bằng đĩa CD.

Thực tế trên phản ánh không ít bộ phim chỉ mới chạm nhẹ vào bề mặt của nghề nghiệp, chỉ dừng lại ở việc mượn bối cảnh, phục trang chứ chưa phản ánh được đúng bản chất cần có hoặc để lộ những sai sót về chuyên môn ngành nghề. Giới làm nghề cho rằng, phim ngành nghề muốn hay thì cần sự dấn thân thực sự, phải hiểu nghề đó đến 200% và phải kể được những câu chuyện lồng ghép. Câu chuyện này vừa phải đúng với thực tế ngành nghề, vừa không thể làm qua loa. “Viết về nghề gì cũng cần tư vấn của người có chuyên môn, biên kịch nên tự tìm hiểu thực tế để viết cho chuẩn xác. Quan trọng nhất ở phim ngành nghề là tìm ra được triết lý của công việc đó” - nhà biên kịch Lương Kim Liên, tác giả kịch bản phim Mắt lụa chia sẻ.

Theo sức khỏe và đời sống