Nghề "Diễn viên quần chúng" nghề dễ nhưng không dễ

Điều kiện cần và đủ để trở thành một diễn viên quần chúng. Góc khuất của nó là gì?

Extra theo dịch nghĩa là phụ, trong một bộ phim được hiểu là background (diễn viên làm nền). Tại Việt Nam từ extra là từ biểu hiện sự tôn trọng đối với những vai diễn thấp nhất của một cảnh quay, một bộ phim thay thế cho "diễn viên quần chúng".

Hình ảnh vui vẻ, hào hứng của các diễn viên trong một cảnh của phim "Thanh Sói"

Extra được hiểu nôm na là những người có vai trò tạo nên một xã hội thu nhỏ cho bộ phim được sinh động. Nhiệm vụ của họ là đóng những vai để tương tác với diễn viên chính và phụ giống như ở cuộc sống bình thường, tạo nên sự sống động cho bộ phim và hỗ trợ các diễn viên chính - phụ diễn cảnh của họ được tốt hơn.

Hình ảnh những extra vào vai bệnh nhân tâm thần trong "Người cần quên phải nhớ"

Tuy nhiên để làm một extra, một cuộc sống thu nhỏ không phải ai cũng có thể đảm nhận được.  Mặc dù có những cảnh quay chỉ quay lướt qua extra, thậm chí làm mờ để làm background cho diễn viên chính - phụ. Vì vậy chỉ những người đã, đang làm nghề mới hiểu được, thật ra công việc này cũng phải đòi hỏi một sự phù hợp nhất định. Để trở thành một extra chuyên nghiệp phải đảm bảo có những yếu tố sau:

Gương mặt phù hợp với vai diễn

Đây là tố chất mà không phải cứ muốn có là có được, có những diễn viên extra sinh ra đã có gương mặt phù hợp để thể hiện một vai diễn nào đó trong bộ phim mà đạo diễn nhìn trúng. Họ có giọng nói, phong cách diễn của khuôn mặt và vóc dáng như đo ni đóng giày thể hiện vai diễn xuất sắc tạo nên hiệu ứng tốt cho bộ phim.

Chú Dương Lê trong vai chú xe ôm phim "Cây táo nở hoa"

Có những vai diễn extra chỉ đơn giản như chú xe ôm, cô bán trà đá hay chị bán đồ ăn vỉa hè... thì người có khuôn mặt căng mọng, trắng trẻo sẽ khó mà thể hiện tốt được hình tượng của nhân vật, mặc dù họ giỏi nhớ lời thoại và diễn rất tốt. Bởi yêu cầu của nhân vật này cần phải thể hiện được sự khắc khổ, giãi dầu sương gió ở khuôn mặt và khiến cho người xem cảm thấy đồng cảm, xót xa với người lao động.

Hay với những vai diễn phản diện của bà cô bên chồng, bà hàng xóm nhiều chuyện ghê gớm, suốt ngày soi mói; yêu cầu của extra phải có khuôn mặt dữ dằn một chút, cái miệng theo lẻo, đôi mắt sắc bén hay liếc ngang liếc dọc…từ đó sẽ tăng hiệu ứng của cho cảnh quay, bộ phim lên rất nhiều lần.

Thế Hùng (Nghệ danh Thúy Hồng) trong vai bệnh nhân tâm thần trong "Người cần quên phải nhớ"

Vì vậy, tố chất về ngoại hình là rất quan trọng, nó là sự thiên phú của ông trời mà không phải ai muốn cũng được. Extra không nhất thiết phải là người biết diễn xuất chuyên nghiệp, nhưng phải là người có ngoại hình phù hợp để hỗ trợ cho đất diễn của người diễn viên chính và phụ đa dạng và phong phú hơn.

Thể lực phải tốt cho những cảnh quay khắc nghiệt

Có những cảnh quay đánh nhau hơn 12 tiếng đồng hồ trong phim "Cây táo nở hoa"

Đừng tưởng rằng, làm một extra thì rất đơn giản, muốn làm một người extra chuyên nghiệp phải cực kỳ khỏe và chịu được áp lực cao.

Những cảnh quay suốt hơn 6 tiếng giữa trời nắng phim "Cây táo nở hoa"

Có thể vai diễn của bạn chỉ là người đi đường, trong bối cánh diễn viên chính đang đi dạo phố chẳng hạn, nhưng diễn viên chính bị diễn hỏng và phải làm đi làm lại thì tất nhiên extra cũng phải diễn lại theo diễn viên chính.

Chưa kể những cảnh quay phải di chuyển rất nhiều nơi, extra hầu như phải tự chuẩn bị phương tiện đi lại của mình và chế độ đãi ngộ của họ so với diễn viên chính, phụ cũng không thể bằng được. Chính vì vậy, mà extra phải chịu áp lực lớn hơn, thậm chí còn bị người khác coi thường, bắt nạt.

Những extra đã tham gia một cảnh quay ở Củ Chi trong phim "Cây táo nở hoa" phải đi xe máy 50 - 60 km từ rất sớm.

Nhưng họ vẫn rất cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, không hề nản lòng hay bỏ cuộc. Vẫn cần mẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để góp phần làm cho bộ phim sinh động hơn. Chứng tỏ, họ diễn vai "quần chúng" không đơn giản chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn là tâm huyết với nghề và đam mê với nghiệp diễn.

Đây chính là tinh thần làm việc chuyên nghiệp của một viên extra, diễn vì yêu nghề vì đam mê và diễn để phục vụ khán giả của mình.

Một bạn quản lý extra chia sẻ: "Lúc quay Cây táo nở hoa có đến 4,5 hôm quay ở Củ Chi lận. Hôm nào em cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để đi đến địa điểm quay đón các anh chị cô chú extra. Có những cô chú 50, 60 tuổi đến từ rất sớm để chờ. Bản thân em là người trẻ chạy sớm trời rất lạnh, đường xa vắng rất sợ. Nhưng cô chú anh chị vẫn luôn đúng giờ. Nhìn họ ngồi co ro trên ghế đá cảm thấy rất thương."

Phải tự biết linh hoạt trong vai diễn

Khác với diễn viên chính và phụ, Extra không có kịch bản rõ ràng và được chỉ rõ phải làm những gì, nhiều lúc họ chỉ được "quăng" cho kịch bản với nội dung phải diễn vai như vậy... như vậy, thì bản thân họ cũng phải tự lên kế hoạch cho mình sẽ diễn như thế nào, đi đứng ra sao để diễn được tròn vai.

Đôi lúc chính bản thân những người extra cũng phải tự tạo ra sự tương tác với nhau từ ánh mắt, cử chỉ, hành động nói cười để tạo nên một khung cảnh vui vẻ, nhộn nhịp đúng chất của một khu chợ, công viên hay đường xá…

Những người dân cố định trong khu xóm "Bố Già"

Hình ảnh nhóm dưỡng sinh chuyên nghiệp phải có bài nhảy riêng và tự tương tác với nhau.

Hoặc khi phát sinh vấn đề gì khi quay thì extra nếu có thể tự ứng biến được thì cũng không cần phải hỏi lại đạo diễn. Lượng extra thì nhiều, không thể nào đạo diễn có thể chăm sóc từng người một bởi vậy, một extra chuyên nghiệp sẽ là người tự giác và có ý thức làm việc trong mọi hoàn cảnh.

Góc khuất nghề nghiệp

Ngành nghề nào cũng có những góc khuất riêng và extra cũng không ngoại lệ, khán giả chỉ nhìn thấy hình ảnh của họ ở trên màn ảnh với hoạt động rất đơn giản mà không biết rằng, để có thể hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, người extra cũng rất vất vả.

Họ vì muốn có được vai diễn mà luôn phải chầu chực theo đoàn làm phim đợi gọi đến tên mình vào đóng vai, chỗ ăn chỗ ở cũng không đảm bảo, những người extra có khi phải ngủ ở công viên, quảng trường rất khổ sở.

Có khi quay trong điều kiện khắc nghiệt trời nắng chang chang còn cả đèn led phục vụ cho cảnh quay chiếu thẳng vào người, vào mắt khiến da, mắt sau đó bị hư hại và phải nhập viện. Tình trạng bị thương thậm chí chấn thương phải cấp cứu cũng rất nhiều, extra phải thường xuyên chịu áp lực như vậy, nhưng họ không dám bỏ vai phần vì yêu nghề, đam mê với nghề và quan trọng là kiếm được thêm thu nhập.

Theo Gip - Sammedia.vn