Nghề biên kịch, nơi mà "đèn không chiếu tới" nhưng vô cùng hấp dẫn

Có lẽ trước đây bất cứ ai khi xem phim cũng sẽ nghĩ phim của đạo diễn nào, diễn viên nổi tiếng nào tham gia, công ty nào sản xuất... mà rất ít ai để ý đến của nhà biên kịch nào. Ở cái thời 4.0, 5.0 này thì lại khác, giới trẻ lại cực kỳ quan tâm. Bởi lẽ Biên Kịch là điểm xuất phát, khởi nguồn cho sự thành hay bại của một tác phẩm.

Một bộ phim điện ảnh hay truyền hình, hay bất cứ một series phim sitcom, MV (music video) hay một trích đoạn kịch sân khấu... tuyệt nhiên không thể thiếu một trong bộ ba quyền lực là đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch. Như vậy biên kịch nắm giữ vị trí vô cùng quan trọng để tạo nên một sản phẩm chất lượng.

Bố già Trấn Thành và con trai Tuấn Trần trong siêu phẩm điện ảnh "Bố Già"

Phim hay hay không, không chỉ phụ thuộc vào đạo diễn giỏi mà còn phụ thuộc vào một kịch bản hay. Vì vậy ở bài viết sẽ là kỳ 1, kỳ đầu tiên sẽ giúp các bạn, những ai có hứng thú với nghề biên kịch, có bước đầu tìm hiểu về ngành nghề này.

Biên kịch là gì? Công việc của biên kịch như thế nào?

Trong sự phát triển đi lên của nền phim ảnh Việt, đây là câu hỏi mà giới trẻ đang rất quan tâm. Vậy biên kịch là gì? Biên kịch chính là tên của một ngành nghề riêng biệt không thể thiếu trong hoạt động sản xuất một tác phẩm nghệ thuật. Nó chính là hoạt động sáng tác, làm việc để tạo ra một kịch bản. 
Các nhà biên kịch là cá nhân hoặc tập thể sáng tác một bộ phim, vở kịch, tiểu phẩm hay chuỗi series... Nó được hiểu nôm na là người tạo ra những bộ phim, sản phẩm... "bằng văn bản". Là người sẽ quyết định hoàn cảnh ra đời, tính cách nhân vật, bối cảnh phim,...

Nhà biên kịch không nhất thiết phải học từ trường lớp, một nhà biên kịch có thể xuất phát từ một công việc khác như biên tập, đạo diễn, viết truyện... trong tất cả, khả năng của bạn phải là thích viết lách, trí tưởng tượng phong phú, khả năng sắp xếp lớp lang, câu chuyện trong đầu phải có trình tự trước sau và xâu chuỗi hợp lý. Để trở thành nhà biên kịch trong thời đại 4.0 không khó, tuy nhiên nổi tiếng hay không lại là cái duyên giữa bạn và nghề.

Học biên kịch thì sẽ làm việc ở đâu?

Biên kịch phim: Hiện nay nhu cầu phim truyền hình, điện ảnh khá cao, có nhiều hãng phim ra đời vừa tạo điều kiện việc làm vừa giảm áp lực chương trình trên sóng truyền hình. Tuy nhiên đây là công việc tốn khá nhiều thời gian của nhà biên kịch, và nếu muốn các đạo diễn đặt hàng kịch bản thì bạn cần phải là một biên kịch gạo cội, tuy nhiên đối với các bạn trẻ nếu như có những đề tài lạ cũng sẽ nhiều cơ hội để chuyển thể thành phim.

Biên tập gameshow truyền hình: Bạn có thể trở thành một biên tập cho những gameshow trên sóng truyền hình… Bất kỳ một chương trình nào cũng cần phải có một kịch bản và đây chính là môi trường không những năng động mà còn có nhiều cơ hội cho các bạn trẻ để thể hiện tài năng. Các biên tập gameshow cần phải có sự thích nghi nhanh để theo kịp xu hướng của xã hội.

Biên kịch tại các hãng phim: Bạn có thể trở thành những biên kịch ở các hãng phim, công việc của bạn sẽ là chỉnh sửa cho những kịch bản phim mà hãng nhận về khiến chúng trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn, dễ sản xuất hơn. Những hãng phim sẽ là nơi tiếp nhận những kịch bản phim và các biên kịch sẽ chỉnh sửa lại. Làm việc tại vị trí này, các biên kịch cần phải có con mắt tinh tường để lựa chọn được kịch bản hay trong số hàng nghìn kịch bản gửi về.

Ngoài ra bạn có thể viết những kịch bản phim ngắn rồi tìm nguồn sản xuất và bán lại. Bạn có thể vừa sống với đam mê mà ý tưởng không gò bó trong một khuôn khổ nhất định nào, vì nhu cầu kịch bản hiện nay tại Việt Nam là khá lớn.

Nghề biên kịch điện ảnh, truyền hình luôn có nhiều cơ hội đối với những bạn trẻ theo ngành này nếu như bạn có được kỹ năng tốt cũng như sự yêu nghề. Bạn cần phải làm việc bằng cả sự tâm huyết và đây là điều quan trọng nhất đối với bất kỳ nhà biên kịch nào.

Bài viết mình sẽ dừng lại ở đây. Hẹn các bạn ở bài viết kỳ tới tìm hiểu kỹ hơn về nghề và Kịch bản.

Theo Gip - Sammedia