Đại lễ Phật Đản trước tình hình dịch phức tạp

Lễ Phật Đản - Một trong ba ngày đại lễ của phật giáo (Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo). Lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng tư, để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới( Tránh xa sự: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dễ dãi uống rượu), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Theo báo tuổi trẻ online: Khác với mọi năm lễ phật đản năm nay được tổ chức nội bộ, hạn chế phật tử tham gia trước tình hình dịch covid-19. Thông tin này được thượng tọa Thích Quang Thạnh, phó thư ký kiêm chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, cho biết vào chiều 24-5.

Thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết thêm nếu có phật tử tham dự thì số lượng không quá 20 người, tuân thủ các quy định phòng chống dịch COVID-19 như đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập, đeo khẩu trang trong suốt thời gian đến chùa.

Trước đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản và an cư kiết hạ trước tình hình mới do hòa thượng Thích Trí Quảng - phó pháp chủ kiêm giám luật Hội đồng chứng minh, trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM - ký.

Theo đó, thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận/huyện phải có văn bản báo cáo công tác tổ chức Đại lễ Phật đản tại địa phương với ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ sở tự viện trên địa bàn TP.HCM thực hiện nghi thức tắm Phật truyền thống, tụng nghi thức khánh đản và kinh chuyển pháp luân để mừng Đại lễ Phật đản sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của từng cơ sở, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, không tập trung phật tử.

Đại đức Thích Chí Giác Thông, phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, cho biết các chùa, cơ sở tự viện trang trí lồng đèn, treo cờ và tổ chức Đại lễ Phật đản đơn giản, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

"Trong Phật giáo, lễ tắm Phật là quan trọng nên Tu viện Khánh An (quận 12, TP.HCM) vẫn để tượng Phật để phật tử đến tự tay tắm. Tuy nhiên, phật tử được chia theo từng nhóm 5 người, 10 người, đảm bảo dưới 20 người theo quy định phòng chống dịch", đại đức Thích Chí Giác Thông cho biết thêm.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nghe pháp trong phật tử, Ban hoằng pháp kết hợp với Ban thông tin - truyền thông và báo Giác Ngộ tổ chức thuyết giảng online mỗi ngày lúc 8h30 và 14h30, đến ngày 26-5.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Theo TuoiTre.vn & Gip -Sammedia.vn