"Cây Táo Nở Hoa" bộ phim gây ức chế khiến độc giả trên khắp các diễn đàn than vãn
Sự cùng cực bị hình tượng hóa quá đà của nhân vật khiến "Cây táo nở hoa" bị mang ra chỉ trích là "nỗi ức chế" trong thời gian nghỉ dịch covid-19 vừa qua.
Trong khoảng 10 tập đầu tiên, phim tạo nên sức hút với khán giả bởi câu chuyện hấp dẫn, chân thật như những mảnh ghép từ ngoài đời bước lên màn ảnh.
Ngọc được Thái Hòa thủ vai
Giai đoạn cao trào nhất của phim là từ tập 31, phát sóng ngày 15/6 đã đạt trên 163.000 lượt xem cùng lúc, tập 32 tiếp tục tăng với hơn 194.000 lượt xem khi công chiếu trên YouTube. Tập 33 của phim đã xác lập kỷ lục với hơn 204.000 lượt xem, trở thành phim truyền hình Việt có lượt xem công chiếu cùng lúc trên Youtube cao nhất mọi thời đại.
Trong khi đó, tập 34, 35 cũng thu về thành tích tương tự. Riêng tập 34 thu về 2 triệu lượt xem sau 1 ngày công chiếu.
Hiện tại, “Cây táo nở hoa” có tổng hơn 100 triệu views sau 35/70 tập phim, cùng với đó là hàng trăm nghìn lượt like, bình luận từ YouTube đến các diễn đàn phim ảnh, mạng xã hội.
Thế nhưng, đi cùng với những câu chuyện của anh em Ngọc, khán giả đã bắt đầu thấy ngao ngán bởi xảy ra quá nhiều bi kịch. Mà bi kịch sau giống bi kịch trước, cứ lặp đi lặp lại phát nhàm…
Khoảnh khắc đoàn tụ gượng gạo, phi lý của mẹ con bà Ích
Một số ý kiến của khán giả:
Là một khán giả trung thành của phim truyền hình Việt Nam, tôi đã từng theo dõi không sót tập nào của Cây táo nở hoa. Cho đến những tập gần đây, thực sự tôi không thể tiếp tục vì cảm thấy khó thở, ngột ngạt khi xem phim. Những tình tiết bi kịch ngày một dày đặc, đau khổ chồng chéo, dàn trải đến nỗi người anh mắc căn bệnh hiểm như vậy mà tận 5 tập vẫn chưa nói ra được. Chưa kể, đôi lúc nhân vật trong phim cư xử thiếu logic một cách khó hiểu.
Tôi có thể hiểu dụng ý của đạo diễn khi đẩy gia đình Ngọc - Ngà - Châu - Báu - Dư vào liên tiếp những đau khổ nhằm giúp họ thấu hiểu và cảnh tỉnh lẫn nhau. Thế nhưng, việc quá lạm dụng yếu tố bi kịch để lấy nước mắt khán giả khiến tính cách dàn nhân vật trở nên ngốc nghếch, nhu nhược đến ức chế. Tôi hay nói đùa với bạn bè, đây phải gọi là phim “Cây táo nở Drama” chứ không phải là “Cây táo nở hoa”.
Không thể đổ lỗi cho kịch bản gốc của Hàn Quốc lê thê như vậy, chính kịch bản Việt đang tự kéo dài khá vô nghĩa. Nhân vật Dư (Song Luân) của bản Hàn được xây dựng có phần hiểu chuyện, thấu đáo hơn khi chứng kiến anh hai tần tảo, hy sinh hết mình vì các em. Nhưng trong phiên bản Việt, Dư lại dễ dàng xao động bởi lời tiêm nhiễm từ bà mẹ bỏ đi chục năm. Anh khùng lên, trở mặt với anh hai ngay tại bữa cơm gia đình. Điều đó có thật sự logic không? Những chi tiết vô lý ấy mới là điều khiến tôi bỏ xem phim, chứ không phải vì diễn xuất của người đóng.
Màn trở mặt thiếu logic của Dư (Song Luân) đối với anh hai
Lẽ ra, nhân vật đáng được mọi người thương cảm nhất là anh hai Ngọc (Thái Hòa), nhưng các tình tiết gần đây lại khiến tôi ghét nhân vật này hơn bao giờ hết. Không phải Báu - cô em bảo thủ, ngổ ngáo hay anh ba Ngà vô dụng, bất tài mà chính là Ngọc - người anh tưởng chừng như sâu sắc, đáng thương nhất. Ngọc được xem là trụ cột của cả gia đình, vừa làm anh hai, vừa làm cha, làm mẹ của những đứa em không chịu lớn.Tôi vô cùng trân trọng công sức của dàn diễn viên Cây táo nở hoa. Có thể thấy, ai cũng đã cố gắng thể hiện trọn vẹn nhất cảm xúc nhân vật. Trương Thế Vinh, Nhã Phương đã hoàn toàn rũ bỏ hình tượng trước đây để vào vai những kẻ bảo thủ tới bất ổn, hội tụ đủ thói hư tật xấu, chỉ thấy toàn la hét, vật vã. Ngoài ra, Thái Hoà vào vai Ngọc quá bi kịch, quá nghiệt ngã. Hầu như phim tập nào cũng có cảnh Ngọc bị tâm lý nặng. Tôi xem mà đến ám ảnh những cảnh Ngọc dằn vặt, khóc lóc đau khổ. Khán giả xem phim còn thấy ngộp thở, hãy tưởng tượng diễn viên sẽ phải vật vã, căng não đến nhường nào.
Chị Hạnh - vợ của Ngọc (Hồng Ánh) trong cơn tức tối đã không nhịn được mà nói: “Những đứa em của anh là những con quỷ chuyên hút máu người, anh muốn tụi nó hút máu của anh tới bao giờ nữa?”. Dù lời của chị có chút độc ác, nhưng tôi tin câu nói đủ sâu cay để khiến Ngọc tự vấn bản thân mình. Những người ở trong hoàn cảnh của Ngọc cũng cần tỉnh ngộ, sự hy sinh mù quáng từ anh hai liệu đã thật sự tốt cho những người em?
Ông anh hai cam chịu đ3esn cùng cực khiến phim lê thê không cần thiết
Tôi công nhận bộ phim có tính nhân văn sâu sắc, nhưng tình tiết đạo diễn vẽ ra để thử thách các nhân vật đã vượt quá ngưỡng chịu đựng đối với người xem. Thiết nghĩ, tất cả những bi kịch trong gia đình Ngọc đều một phần do anh luôn ôm đồm, gồng gánh tất cả sai lầm của các em. Người anh trụ cột đã quên mất rằng những đứa em cũng cần tự bước đi và trưởng thành trên chính đôi chân của mình. Dù có vấp ngã, đớn đau nhưng chúng sẽ tự có cho riêng mình những bài học đắt giá.
Chung quy lại, nếu kết phim phim bằng cái chết của Ngọc để đánh đổi sự trưởng thành từ những người em, tôi chắc chắn sẽ không thể chịu được mà “trầm cảm” mấy ngày mất. Cái kết ấy thực sự tàn nhẫn cho nhân vật và độc ác với khán giả. Thật lòng, tôi mong đạo diễn và biên kịch sẽ mang tới cho bộ phim hồi kết trọn vẹn, ý nghĩa đúng với cái tên “Cây táo nở hoa”.
Theo vietnamnet.vn