9 Kỹ thuật chuyển cảnh quan trọng nhất trong dựng phim
Nếu bạn muốn lên trình dựng phim, bạn cần biết về tất cả những kỹ thuật chuyển cảnh này.
Một trong những kỹ thuật dựng đầu tiên bạn sử dụng là gì? Đơn giản là cắt cảnh thôi, đúng không? Nó cực kỳ đơn giản, chỉ cần tìm một điểm phù hợp trên clip, sau đó cắt clip đó làm hai để chuyển sang một clip khác. Thế là xong. Nhưng nếu bạn muốn trở thành một người dựng phim có thể tạo ra sự tinh tế và đưa các thông điệp vào bản dựng của mình, bạn sẽ cần biết đến nhiều kỹ thuật khác cũng như ưu và nhược điểm của chúng. Video dưới đây từ Shutterstock sẽ giúp bạn tìm hiểu về 9 loại chuyển đổi quan trọng trong bộ công cụ của mọi Dựng phim.
Có rất nhiều các kỹ thuật khác trong dựng phim, nhưng danh sách dưới đây chỉ bao gồm các kỹ thuật cơ bản nhằm cho bạn một kiến thức nền tảng vững chắc về cách di chuyển trong bản dựng bằng các chuyển đổi. Dưới đây là các loại chuyển đổi được nhắc đến trong video:
Chuyển đổi tiêu chuẩn: đây là kỹ thuật cắt cảnh cơ bản. Nó có nghĩa là đặt hai clip cạnh nhau. Bạn sẽ dùng loại chuyển đổi này nhiều hơn bất cứ loại kỹ thuật cắt cảnh nào khác.
J-Cut: Đây là một kỹ thuật hay ho, chủ yếu là vì nó tạo ra một chuyển đổi mượt mà từ shot này sang shot thiếp theo bằng cách cho âm thanh của clip B phát ra ở cuối clip A. Nói cách khác, như bạn xem trong clip đầu tiên, bạn nghe thấy âm thanh từ clip tiếp theo trước khi bạn nhìn thấy hình ảnh của clip đó.
L-Cut: Nó là một chuyển đổi ngược với J-Cut. Thay vì chuyển sang shot B với âm thanh của Shot B, bạn sẽ chuyển đổi sang Shot B với âm thành từ Shot A. Có nghĩa là, như bạn xem trong clip đầu tiên, bạn thấy trong clip tiếp theo, phần âm thanh của clip đầu tiên sẽ chồng lên phần đầu của clip thứ 2. Kỹ thuật này thường được dùng nhiều trong các cảnh thoại.
Cross-Cutting: Còn được gọi là dựng song song, kỹ thuật này có thể khá rối rắm nếu bạn không cẩn thận, chủ yếu là vì bạn phải dựng 2 câu chuyện song song diễn ra cạnh nhau. Bạn thường thấy người ta sử dụng kỹ thuật này trong các phim hành động. Nhưng ví dụ ưa thích của tôi về ứng dụng của loại kỹ thuật dựng này là phim “Sự im lặng của bầy Cừu”. Hãy xem cách đạo diễn Jonathan Demme và editor Craig McKay dùng kỹ thuật này để đánh lạc hướng người xem như thế nào.
Jump Cut: Loại chuyển đổi này khá thú vị bởi chúng làm đứt gãy mạch thời gian bằng một cách thức gây sự chú ý. Để làm được điều này, chỉ cần lấy một clip dài, rồi cắt nó thành nhiều đoạn ngắn, sau đó lựa lại một số đoạn theo ý của bạn và ghép chúng lại với nhau. Khi xem, bạn có thể cảm thấy như thể clip đang ‘nhảy’ theo thời gian.
Cắt tại hành động(Cutting on Action): Nói một cách dễ hiểu, Cutting on Action có nghĩa là bạn thực hiện cắt cảnh giữa lúc chủ thể của bạn đang làm gì đó, có thể là đấm, quay đầu, hoặc chạm tay vào tay nắm cửa trong một shot, và rồi mở cửa ra trong shot tiếp theo. Việc sử dụng thuần thục kỹ thuật này là rất quan trọng vì nó giúp bạn làm cho quá trình dựng phim trở nên vô hình, giúp khán giả tập trung vào hành động mà không bị xao lãng,.
Match Cut: những loại cắt cảnh kiểu này là một cách tuyệt vời để nhấn mạnh sự sáng tạo trong dựng phim của bạn. Trên mức độ kỹ thuật, nó là một kỹ thuật cắt cảnh tiêu chuẩn (chuyển từ shot này sang shot khác). Mặc dù vậy, điều khiến nó trở nên đặc biệt là hành động tương tự nhau giữa hai shot hoà hợp với nhau. Một ví dụ về kỹ thuật này là cảnh giết người trong nhà tắm ở phim Psycho, tại đó, chúng ta có thể thấy shot quay cảnh nước cuộn tròn chảy xuống cống và sau đó chuyển sang shot quay cận cảnh một con mắt của Marion Crane, hình ảnh trong 2 shot này có cùng kích thước và đối tượng chính nằm cùng vị trí với nhau.
Cutaways: Loại kỹ thuật cắt cảnh này rất hữu ích khi bạn muốn thêm các shot mang thông tin và bối cảnh cho một cảnh, như các shot quay địa điểm để thiết lập không-thời gian hoặc các shot quay đạo cụ và những đối tượng khác có liên quan đến nhân vật ở trong cảnh. Bởi vì có nhiều người dựng phim dùng nó để chèn các footage bổ sung, nên có thể sẽ hữu ích khi bạn nghĩ đến việc cutaways là một loại ‘b-roll cuts’.
Montage: Bạn biết montage là gì chứ, đúng không? Chúng xuất hiện khắp mọi nơi. Một võ sĩ quyền anh muốn được huấn luyện cho một trận đấu lớn? Montage luyện tập! Một sinh viên cần phải luyện thi cuối kỳ? Montage học hành! Một người vừa ly dị đi mua sắm để chuẩn bị cho một cuộc hẹn lớn? Montage trong phòng thử đồ. Chúng là chuỗi những shot khác nhau dùng để thu thập thông tin, ít ra thì như trong những ví dụ mà tôi đưa ra, nhưng chúng cũng có thể được dùng để xác định không-thời gian (Nhưng đó là một định nghĩa mang nặng tính kỹ thuật hơn về montage).
Nguồn: No Film School